Thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm tại khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính


03/06/2021 1229 Lượt xem
Bài viết trình bày, phân tích quy định của pháp luật tố tụng hành chính về thẩm quyền “hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại” của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính tại khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính. Thông qua đó, tác giả nêu lên một số bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Tố tụng hành chính và đưa ra kiến nghị để hoàn thiện.

Đặt vấn đề

Theo quy định tại Điều 241 Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) hiện hành, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hành chính có các quyền hạn sau: Giữ nguyên bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án; sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ tập trung bình luận, phân tích quy định của pháp luật TTHC về thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án tại khoản 3 Điều 241 LTTHC. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra một vài điểm bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật TTHC và đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện.

Quy định của pháp luật tố tụng hành chính – một số hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

Bản án hành chính sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm ban hành, nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản án sơ thẩm là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử vụ án tại phiên tòa, nhằm thể hiện việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, đồng thời còn xác định trách nhiệm pháp lý của đương sự tùy theo sự phán quyết của Hội đồng xét xử sơ thẩm. Về nguyên tắc, khi Tòa án ban hành bản án hành chính sơ thẩm thì bản án phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, vì lý do chủ quan, khách quan khác nhau mà bản án sơ thẩm còn chưa chính xác, ảnh hưởng đến lợi ích của các đương sự. Do đó, LTTHC cho phép đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự được kháng cáo, Viện kiểm sát được kháng nghị đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực theo thủ tục phúc thẩm trong khoảng thời gian luật định. Khi có kháng cáo, kháng nghị về bản án sơ thẩm hợp pháp thì thủ tục phúc thẩm phát sinh, xác định trách nhiệm của Tòa án cấp phúc thẩm trong việc xét xử lại vụ án, thẩm định tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Căn cứ vào khoản 3 Điều 241 LTTHC khi thẩm định lại bản án sơ thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm được quyền: hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Có thể dễ dàng nhận thấy, đây là một trong những quyền hạn quan trọng của Hội đồng xét xử phúc thẩm VAHC, xác định bản án sơ thẩm được ban hành chưa đúng còn sai sót. Vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án trong trường hợp nào?   

Khoản 3 Điều 241 LTTHC quy định: Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại trong hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: Có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng

Có thể thấy, “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là căn cứ pháp lý đầu tiên để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, LTTHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, lại không có quy định giải thích cụ thể các sai sót bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và cũng chưa đề ra tiêu chí phân biệt ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc hiểu cụ thể về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm còn có những ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc Tòa án cấp sơ thẩm đã có những sai phạm về mặt thủ tục tố tụng dẫn đến việc giải quyết xét xử vụ án không tuân thủ những quy định của pháp luật tố tụng hành chính làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vụ án[1]. Có phần khác, ý kiến thứ hai đưa ra cách hiểu sau “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là những vi phạm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án không chính xác hoặc xâm phạm đến quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng[2]. Như vậy, việc LTTHC không giải thích rõ cụm từ “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” đã làm cho việc hiểu và áp dụng pháp luật gặp khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất giữa các địa phương, các cấp Tòa, ảnh hướng đến chất lượng trong phán quyết của bản án phúc thẩm.

Từ những phân tích trên đây, để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chính xác thì tác giả xin kiến nghị về khái niệm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hành chính như sau: vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là những vi phạm về mặt thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật, khách quan của vụ án không chính xác hoặc xâm phạm đến quyền, nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng. Để làm rõ được khái niệm này, tác giả xin nêu một số những vi phạm về thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm bao gồm cả việc chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa, cũng như một số việc cần phải tiến hành sau phiên tòa; những vi phạm cũng rất đa dạng song có thể nêu lên một số vi phạm thủ tục tố tụng thường xảy ra dẫn đến việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại như sau: vi phạm về thành phần hội đồng xét xử; xác định không đúng tư cách đương sự; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng khi giải quyết vụ án; không thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa khi thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi theo quy định của LTTHC; vi phạm về thủ tục tiến hành phiên tòa; bỏ sót chưa giải quyết triệt để hết các yêu cầu của người khởi kiện; không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của người khởi kiện không đúng, xác định nhầm đối tượng khởi kiện, việc nghị án không đúng…[3]

Bên cạnh đó, một điều cần lưu ý, không phải tất cả các vi phạm pháp luật TTHC của tòa án cấp sơ thẩm đều là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại mà những vi phạm pháp luật đó phải đến mức nghiêm trọng, tức là làm cho việc giải quyết đó thiếu khách quan, toàn diện, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Còn những vi phạm pháp luật mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng thì không coi là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án và chuyển hồ sơ cho tòa án cấp xét xử sơ thẩm xét xử lại.

Trường hợp thứ hai: Phải thu thập chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được

 Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp[4]. Trong TTHC, chứng cứ được xem là căn cứ quan trọng không thể thiếu để Tòa án giải quyết vụ án khách quan, chính xác và đúng pháp luật. Về nguyên tắc, các chứng cứ được sử dụng phải đáp ứng hết các tiêu chuẩn khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Khi vụ án được xét xử lại theo trình tự phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã phát hiện sự tồn tại của các chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ phải hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ để Tòa án sơ thẩm xét xử lại vụ án.

Như vậy trong căn cứ này, chúng ta phải làm rõ nội dung thế nào là chứng cứ mới, các đặc điểm để xác định một chứng cứ được coi là mới và trường hợp nào được hiểu là Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được. Hiện nay, pháp luật TTHC chưa có quy định nào nhằm xác định chứng cứ mới quan trọng trong vụ án hành chính nên việc hiểu về nó cũng còn có những lúng túng, băn khoăn nhất định, cụ thể: Một là, nếu các chứng cứ đã tồn tại trong giai đoạn giải quyết sơ thẩm vụ án nhưng nó không xuất hiện vì do một trong các đương sự cố tình che giấu không làm cho chúng xuất hiện và Tòa án cũng không thể phát hiện ra đến giai đoạn phúc thẩm mới phát hiện ra vậy các chứng cứ này có được coi là mới hay không? Hai là trường hợp ngược lại, trong giai đoạn sơ thẩm, các đương sự đã xuất trình giao nộp các chứng cứ này nhưng Tòa án đã không sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án đến khi giải quyết phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm mới phát hiện ra, liệu rằng chúng có được coi là mới không? Ba là, thế nào là chứng cứ mới quan trọng? Thiết nghĩ để hiểu chính xác, đầy đủ nhất tất cả các băn khoăn trên là cần có sự hướng dẫn, giải thích chính danh từ các nhà làm luật.

Dựa vào mặt lý luận và thực tiễn xét xử vụ án hành chính, tác giả cho rằng: chứng cứ được coi là mới khi nó làm thay đổi nội dung, bản chất vụ án, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự và thỏa mãn hai điều kiện sau đây:

 1/ Chứng cứ được Tòa án cấp phúc thẩm mới phát hiện ra đã tồn tại ngay từ đầu khi thụ lý xét xử sơ thẩm nhưng do Tòa án cấp sơ thẩm và đương sự không biết đến sự tồn tại của chúng hoặc chúng chưa xuất hiện. Việc không biết các chứng cứ này có thể là do nguyên nhân khách quan làm cho cả Tòa án sơ thẩm và đương sự không biết song cũng có thể do một số người tham gia tố tụng biết nhưng cố ý che dấu không cung cấp làm cho Tòa án sơ thẩm không thể biết được. Ngược lại cũng có thể do một hoặc một số hoặc tất cả những người tiến hành tố tụng biết mà che dấu, bỏ qua không xem xét chúng, làm chúng không được tồn tại trong hồ sơ vụ án[5].

2/ Về mặt thời gian, các chứng cứ được xem là mới làm thay đổi nội dung vụ án khi chúng được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm phát hiện ra sự tồn tại và sự quan trọng của chứng cứ đó nhằm giải quyết triệt để vụ án. Việc Tòa án phát hiện ra có tồn tại chứng cứ mới có thể do quá trình Tòa án nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét và phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá các chứng cứ đó hoặc cũng có thể là do người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát hiện sự tồn tại các chứng cứ mới nhưng các chứng cứ này Tòa án không thể bổ sung, thu thập ngay tại phiên tòa được. Từ các lập luận trên chúng ta thấy để giải thích chứng cứ mới quan trọng thì phải căn cứ vào hai tiêu chí nguyên nhân chúng tồn tại, xuất hiện và thời điểm chúng xuất hiện đã làm thay đổi nội dung vụ án và khi Tòa án phát hiện ra chúng mà không thể bổ sung ngay được thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại.

Kết luận

Qua các phân tích, bình luận trên cho thấy, LTTHC hiện hành quy định căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm “huỷ bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại” tại khoản 3 Điều 241 chưa được toàn diện, thiếu tính rõ ràng, cụ thể làm cho việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, còn lúng túng của các Tòa phúc thẩm. Do đó, việc hoàn thiện sớm các bất cập này là rất cần thiết. Theo đó, tác giả đã mạnh dạn đưa ra các kiến nghị hoàn thiện các hạn chế đó nhằm bảo đảm cho việc áp dụng các phán quyết phúc thẩm được chính xác, thống nhất.

Tin tức liên quan


CÔNG TY LUẬT TNHH TGT

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Tòa nhà 252 Hoàng Quốc Việt, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Văn phòng Hồ Chí Minh: Sảnh Venice 3, New City Thủ Thiêm, Số 17 Mai Chí Thọ, Phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

ĐT: (+84)-243-7558-222 | (+84)-903-204-333

 Email: thetg@tgt-partners.vn

Liên hệHồ sơ năng lực