Ngày 8/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp. Thông tư này thay thế Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009.
Nguyên tắc chung trong trích lập dự phòng
Thông tư số 48/2019/TT-BTC là văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng làm cơ sở xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định. Việc trích lập các khoản dự phòng cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) của các tổ chức kinh tế được thực hiện theo pháp luật về kế toán.
Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập BCTC năm thay vì là thời điểm cuối kỳ kế toán năm hoặc ngày cuối cùng của năm tài chính theo Thông tư số 228/2009/TT-BTC. Như vậy, thời điểm trích lập và hoàn nhập dự phòng chỉ được thực hiện vào thời điểm bắt đầu lập BCTC năm. Nói theo cách khác, những doanh nghiệp (DN) lập BCTC giữa niên độ sẽ không được trích lập và hoàn nhập dự phòng vào thời điểm giữa niên độ so với trước đây.
DN không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài. Số dư dự phòng các khoản đầu tư ra nước ngoài mà DN đã trích lập đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành được hoàn nhập, ghi giảm chi phí tại thời điểm lập BCTC năm 2019.
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Trước đây, đối tượng lập dự phòng chỉ là những hàng nằm trong kho của đơn vị nhưng theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC nêu rõ, đối tượng trích lập dự phòng bao gồm cả hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế nhưng không bao gồm sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang đáp ứng các điều kiện về trích lập dự phòng. Như vậy, theo Thông tư số 48/2019/TT-BTC, ngoài hàng hóa nằm trong kho thì hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế đều được trích lập dự phòng đầy đủ trừ những sản phẩm, dịch vụ chưa hoàn thành thì không được phép trích lập dự phòng. Điều này đảm bảo tất cả các mặt hàng DN đã mua, đã sản xuất hoàn thành đều được trích lập dự phòng đầy đủ.
Bên cạnh đó, khoản tổn thất thực tế của từng loại hàng tồn kho không thu hồi được là chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán trừ đi giá trị thu hồi từ người gây ra thiệt hại đền bù, từ cơ quan bảo hiểm bồi thường và từ bán thanh lý hàng tồn kho. Sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phần chênh lệch được hạch toán vào giá vốn hàng bán của DN.
Thông tư số 48/2019/TT-BTC bỏ quy định về “Trường hợp nguyên vật liệu có giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với giá gốc nhưng giá bán sản phẩm dịch vụ được sản xuất từ nguyên vật liệu này không bị giảm giá thì không được trích lập dự phòng giảm giá nguyên vật liệu tồn kho đó” của Thông tư số 228/2009/TT-BTC. Như vậy, bất cứ vật liệu nào có giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc là được phép trích lập dự phòng, không quan tâm đến giá bán của những sản phẩm được sản xuất từ những vật liệu này cao hay thấp.
Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư
Hiện nay, Nhà nước khuyến khích các DN đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều nhưng lại không cho DN trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, Thông tư số 48/2019/TT-BTC chỉ cho phép trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư vào các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành và khoản đầu tư vào tổ chức kinh tế trong nước.
Cụ thể, Khoản a Điều 5 Thông tư số 48/2019/TT-BTC quy định, đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán mà DN đang sở hữu tại thời điểm lập BCTC năm có đủ các điều kiện sau: Là chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước mà DN đang đầu tư; Là chứng khoán được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm lập BCTC năm, giá chứng khoán thực tế trên thị trường thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên so kế toán.
Đối với các khoản đầu tư chứng khoán, Thông tư số 48/2019/TT-BTC đưa ra hướng dẫn chung để xác định giá chứng khoán thực tế trên thị trường dùng để so sánh với giá trị sổ sách, không phân biệt chứng khoán niêm yết trên sàn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hay sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) như Thông tư số 228/2019/TT-BTC. Theo đó, giá chứng khoán thực tế trên thị trường được tính theo giá đóng cửa tại ngày gần nhất có giao dịch tính đến thời điểm lập BCTC năm. Đối với cổ phiếu đã đăng ký giao dịch trên thị trường Upcom thì giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định là giá tham chiếu bình quân trong 30 ngày giao dịch liền kề gần nhất trước thời điểm lập BCTC năm do Sở Giao dịch chứng khoán công bố. Trường hợp chứng khoán/cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước ngày trích lập dự phòng, chứng khoán bị hủy niêm yết hoặc bị đình chỉ giao dịch hoặc bị ngừng giao dịch thì DN xác định mức trích dự phòng cho từng khoản đầu tư chứng khoán tương tự như khoản đầu tư khác.
Thông tư số 48/2019/TT-BTC còn bổ sung hướng dẫn xác định giá thị trường đối với trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu DN. Trường hợp không có giao dịch trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập BCTC năm thì DN không thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này.
Đối với các khoản đầu tư khác, Thông tư số 48/2019/TT-BTC đã làm rõ hơn công thức xác định mức trích lập dự phòng so với Thông tư số 228/2009/TT-BTC. Theo đó, mức trích dự phòng cho từng khoản đầu tư = Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ thực góp (%) của DN tại tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng X (Vốn đầu tư thực tế của các chủ sở hữu ở tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng - Vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng).
Thông tư số 48/2019/TT-BTC nêu rõ, căn cứ để xác định các chỉ tiêu là BCTC riêng của tổ chức kinh tế nhận vốn góp lập cùng thời điểm lập BCTC năm của DN góp vốn. Như vậy, quy định này có sự mâu thuẫn với chế độ kế toán DN ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014. Theo Chế độ kế toán DN, căn cứ để tính toán, trích lập dự phòng là BCTC hợp nhất của đơn vị nhận vốn góp, không phải BCTC riêng. Do đó, DN cần lưu ý quy định này trong việc xác định chi phí dự phòng cho mục đích tính thuế.
Trường hợp tổ chức kinh tế nhận vốn góp không lập BCTC cùng thời điểm thì DN không được thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này; ngoại trừ các trường hợp sau, DN được thực hiện trích lập dự phòng căn cứ theo BCTC quý gần nhất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp.
Dự phòng nợ phải thu khó đòi
Về căn cứ chứng từ trích lập: "Biên bản Đối chiếu công nợ; trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do DN đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát)"; Đây là điểm mới, tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp con nợ “không chịu” ký Biên bản đối chiếu công nợ với DN.
Về mức trích lập dự phòng đối với các DN nói chung: Mức trích lập dự phòng đối với các DN nói chung không thay đổi nhưng DN kinh doanh dịch vụ viễn thông thì mức trích lập được quy định riêng biệt, cụ thể: Đối với DN kinh doanh dịch vụ viễn thông và DN kinh doanh bán lẻ hàng hóa, khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau và khoản nợ phải thu do bán lẻ hàng hóa theo hình thức trả chậm/trả góp của các đối tượng nợ là cá nhân đã quá hạn thanh toán mức trích lập dự phòng như sau: 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng; 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng; 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 12 tháng trở lên.
Khi xử lý dự phòng, tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC bổ sung như sau: DN phải dự kiến mức tổn thất có thể xảy ra hoặc tuổi nợ quá hạn của các khoản nợ và tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, kèm theo các chứng cứ chứng minh các khoản nợ khó đòi nêu trên. Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, DN tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí của DN.
DN không thực hiện trích lập dự phòng khoản nợ phải thu quá thời hạn thanh toán phát sinh từ khoản lợi nhuận, cổ tức được chia do góp vốn đầu tư vào các DN khác. Khi trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi của một đối tượng nợ có phát sinh cả nợ phải thu và nợ phải trả, căn cứ biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên để DN trích lập dự phòng trên cơ sở số còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả của đối tượng này. Mức trích lập dự phòng của từng khoản nợ quá hạn được tính theo tỷ lệ (%) của khoản nợ quá hạn phải trích lập theo thời hạn quy định nhân (x) với tổng nợ còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả.
Ví dụ: Công ty A có phát sinh các nghiệp vụ bán hàng cho Công ty B theo từng hợp đồng và đã quá hạn thanh toán như sau:
- Bán lô hàng theo hợp đồng 01 cho Công ty B, giá trị hợp đồng là 5 triệu đồng, Công ty B chưa trả nợ, quá hạn 7 tháng.
- Bán lô hàng theo hợp đồng 02 cho Công ty B, giá trị hợp đồng là 15 triệu đồng, Công ty B chưa trả nợ, quá hạn 13 tháng.
- Bán lô hàng theo hợp đồng 03 cho Công ty B, giá trị hợp đồng là 10 triệu đồng, Công ty B chưa trả nợ, quá hạn 25 tháng.
Tổng nợ phải thu quá hạn của Công ty B: 30 triệu đồng.
Đồng thời, Công ty A có mua hàng của Công ty B, số tiền Công ty A phải trả cho Công ty B là: 10 triệu đồng.
Như vậy, số còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả đối với Công ty B là: 20 triệu đồng.
Mức trích lập dự phòng đối với nợ phải thu của lô hàng theo hợp đồng 01 là: 5/30 x 20 triệu đồng x 30% = 1 triệu đồng.
Mức trích lập dự phòng đối với nợ phải thu của lô hàng theo hợp đồng 02 là: 15/30 x 20 triệu đồng x 50% = 5 triệu đồng.
Mức trích lập dự phòng đối với nợ phải thu của lô hàng theo hợp đồng 03 là: 10/30 x 20 triệu đồng x 70% = 4,67 triệu đồng.
Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng
Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 48/2019/TT-BTC, đối tượng và điều kiện lập dự phòng là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng do DN thực hiện đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành và DN vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng. Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành của các sản phấm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng theo cam kết với khách hàng nhưng tối đa không quá 05% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm đối với các sản phấm, hàng hóa, dịch vụ và không quá 05% trên giá trị hợp đồng đối với các công trình xây dựng
Như vậy, các khoản dự phòng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho DN phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập BCTC năm.
Những thay đổi trong trích lập dự phòng tại DN có nhiều điểm hợp lý khi cho phép DN được trích lập dự phòng cho tất cả các loại hàng tồn kho, tuy nhiên, không cho phép DN được trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ra nước ngoài trong khi lại khuyến khích DN đầu tư ra nước ngoài.
Nguồn: Tapchitaichinh.vn