Tình huống tương tự
12 năm trước, cuộc suy thoái toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng thế chấp ở Mỹ. Khi đó, nhu cầu vay vốn ở quốc gia này giảm mạnh và các ngân hàng đã “sáng tạo” ra một sản phẩm mới là thế chấp dưới chuẩn - được hiểu là khoản vay dành cho các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Để giảm thiểu rủi ro vỡ nợ rất cao đối với các sản phẩm cho vay thế chấp mua nhà, giới ngân hàng bắt đầu sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh. Tức là, quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước, vào một thời điểm nhất định trong tương lai (chứng khoán phái sinh chứa đựng ít hơn rủi ro, sinh lời thấp hơn; còn chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng sinh lời cao).
Các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền mua các công cụ “rủi ro thấp”, cho đến khi thấy rõ rằng tổng nợ các khoản vay thế chấp đạt mốc kỷ lục trong toàn bộ thời gian quan sát. Các ngân hàng hoảng sợ, đình chỉ phát hành thế chấp mới, kinh doanh mua bán nhà dừng lại. Vào nửa đầu năm 2008, Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 thế giới, đã thua lỗ hàng trăm triệu USD từ các hoạt động với trái phiếu thế chấp. Lehman Brothers với tài sản trị giá 639 tỷ USD, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và yêu cầu bảo vệ ngân hàng trước các chủ nợ. Bản tin này đã gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường thế giới và cuộc khủng hoảng trên thị trường thế chấp Mỹ biến thành thảm họa toàn cầu.
Một cú sốc tương tự là cuộc khủng hoảng tại châu Á cách đây 3 thập niên. Khi đó, các quỹ đầu tư quốc tế đã tổ chức một cuộc tấn công đầu cơ quy mô lớn vào đồng baht của Thái Lan, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ở nước này. Cuộc khủng hoảng ở Thái Lan đã tác động đến Indonesia, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc và cuối cùng dẫn đến cảnh vỡ nợ ở Nga. Các nhà đầu tư đã đồng loạt rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển. Hệ thống cho vay thiếu vắng tính minh bạch, thâm hụt thương mại khổng lồ và thị trường vốn kém phát triển ở các quốc gia được gọi là “con hổ” ở châu Á vào thập niên 70 của thế kỷ trước, là những nguyên nhân dẫn đến thảm họa: nhiều sàn giao dịch chứng khoán của châu Á gần như ngừng hoạt động và các đồng tiền mạnh bị mất giá.
WB gọi 2 thảm họa tài chính trên, cùng với cuộc khủng hoảng ở châu Mỹ Latinh vào những năm 1980, là các cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 50 năm qua. Sau khi phân tích xu hướng kinh tế ở vài chục quốc gia, các nhà phân tích của WB đã đưa ra kết luận: thế giới đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính mới, nhưng sẽ không giống các cuộc khủng hoảng trước đó và mang lại hậu quả tồi tệ hơn. WB nhìn thấy vấn đề gánh nặng nợ đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, trong cả khu vực tư nhân và công cộng. Tổng nợ của thế giới đạt 246.000 tỷ USD. Đây là một kỷ lục, gấp hơn 3 lần GDP toàn cầu.
Các quốc gia với thị trường mới nổi đã đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng nợ toàn cầu. Tỷ lệ nợ so với GDP của các nước đang phát triển đã lên đến 168% ở giai đoạn 2010-2018 và tỷ lệ này đang gia tăng nhanh. Trước đó, Viện Tài chính quốc tế cũng chỉ ra, chính các thị trường mới nổi đã đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng nợ toàn cầu. Mức tăng nợ cao nhất được ghi nhận ở các quốc gia như Chile, Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi và Pakistan. Hơn nữa, trong khu vực doanh nghiệp, các khoản nợ tăng nhiều nhất, gần như bằng tổng GDP của 30 quốc gia đang phát triển (92,6%).
Tâm chấn
WB nhấn mạnh rằng, nợ công của Trung Quốc đã tăng nhanh nhất trong 10 năm qua. Kể từ năm 2010, tổng số nợ theo tỷ lệ so với GDP đã tăng gần 3/4, vọt lên tới 255% và tổng số nợ vượt quá 20.000 tỷ USD. Do đó, theo các chuyên gia của WB, cuộc khủng hoảng mới sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc.
Nợ doanh nghiệp của Trung Quốc là lớn nhất thế giới. Khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách mở rộng cho vay. Vào năm 2016, ở Trung Quốc, tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP vào khoảng 160% và tổng nợ công đạt 230%. Là một phần của chương trình chiến lược “Made in China - 2025”, trong những năm gần đây, Bắc Kinh ồ ạt mua những công ty ở các nước phương Tây để tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất. Trong nỗ lực vượt trước các đối thủ nước ngoài, nhiều công ty Trung Quốc đã tích cực vay tín dụng. Chỉ riêng trong năm ngoái, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã tăng 3,8%.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng “bóng tối” (shadow banking) cũng hỗ trợ các công ty Trung Quốc vay tiền - lĩnh vực này đã mở rộng đến một quy mô đáng báo động. Các ngân hàng Trung Quốc ngày càng sẵn sàng tài trợ cho các nhà môi giới và nhà cho vay, những người đóng vai trò trung gian giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Kể từ năm 2012, thị trường cho vay của Trung Quốc đã thay đổi: các ngân hàng “bóng tối” trở nên nổi tiếng, đặc biệt là các khoản vay giá trị thấp cho cá nhân và cho vay tín chấp. Các cơ chế tín dụng này được tạo ra để mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận cao, nhưng đi kèm với rủi ro lớn hơn nhiều. “Nhờ” các ngân hàng “bóng tối” này, gánh nặng nợ của nhiều công ty Trung Quốc tiếp tục gia tăng.
Hệ thống ngân hàng “ngầm” của Trung Quốc đạt gần 7.000 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo: bong bóng này có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc và gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở châu Á, tương tự như sự sụpđổ năm 1997.
Nguồn: Tapchitaichinh.vn