Nghị định này quy định đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người giữ chức danh, chức vụ và Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong đó, người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước được đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên được thực hiện hàng năm sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; việc đánh giá người đại diện phần vốn nhà nước được thực hiện sau khi công bố báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.
Điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước
Nghị định quy định cụ thể điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước gồm:
Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Tuổi bổ nhiệm: Phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác trọn một nhiệm kỳ của chức danh quản lý, tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp do nhu cầu công tác mà được giao giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định nêu trên.
Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm trước khi quyết định.
Về thời hạn giữ chức vụ, thời hạn giữ chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Trường hợp thời hạn giữ chức vụ dưới 05 năm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương chức vụ cũ trở lên thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực thi hành.
Trường hợp thay đổi chức danh quản lý do thay đổi tên gọi doanh nghiệp thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm theo chức vụ cũ theo tên gọi cũ của doanh nghiệp.
Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ
Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền thành lập của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Chủ tịch công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
Quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Có ý kiến trước khi bổ nhiệm đối với Tổng giám đốc doanh nghiệp thuộc thẩm quyền thành lập của Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Quy định về việc kiêm nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước
Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
a. Thành viên Hội đồng thành viên không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
b. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kế toán trưởng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác; Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình nhưng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp khác;
c. Trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình hoặc doanh nghiệp khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu;
d. Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc được kiêm nhiệm các chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty ở doanh nghiệp thành viên, nhưng không quá 03;
đ. Người quản lý doanh nghiệp nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.
Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của Kiểm soát viên được quy định như sau:
a. Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty;
b. Một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước.
kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người đại diện phần vốn nhà nước được quy định như sau:
a. Người đại diện phần vốn nhà nước chuyên trách chỉ được tham gia đại diện phần vốn nhà nước tại 01 doanh nghiệp;
b. Người đại diện phần vốn nhà nước không chuyên trách có thể tham gia đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng không quá 03;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước không được kiêm nhiệm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác cơ quan đại diện chủ sở hữu;
d. Người đại diện phần vốn nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức…
Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người đại diện trên 50% phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Nghị định gồm có 77 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Nguồn: tapchitoaan.vn