Từ ngày 1/1/2021, việc giải quyết tranh chấp lao động sẽ có nhiều điểm mới so với quy định trước đây.
1. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động
So với Bộ luật Lao động năm 2012, khoản 3, Điều 181 Bộ Luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
2. Thêm trách nhiệm của hòa giải viên lao động
Nếu như trước đây, hoà giải viên lao động do cơ quan quản lý Nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hoà giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề thì nay hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
3. Sửa đổi số lượng Hội đồng trọng tài lao động
Nếu số lượng thành viên Hội đồng trọng tài lao động là số lẻ và không quá 7 người theo Bộ Luật Lao động 2012 thì theo khoản 2, Điều 185 Bộ Luật Lao động năm 2019, số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người; số lượng ngang nhau do các bên là cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công đoàn cấp tỉnh và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử.
4. Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Theo Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm hoà giải viên lao động và Toà án nhân dân.
Tuy nhiên, theo Điều 187 Bộ Luật Lao động năm 2019 thì Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
5. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Điều 190 Bộ Luật Lao động 2019 quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:
- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (kế thừa Bộ Luật Lao động 2012);
- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (quy định mới);
- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (kế thừa Bộ Luật Lao động 2012).
6. Bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Điều 195 Bộ Luật Lao động năm 2019 giữ nguyên thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của các tổ chức, cá nhân so với Bộ Luật Lao động 2012. Cụ thể, hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động.
Tuy nhiên, quy định mới bổ sung: Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
7. Bổ sung trường hợp người lao động có quyền đình công
Trước đây, Bộ Luật Lao động 2012 không có quy định cụ thể về trường hợp người lao động có quyền đình công nhưng Bộ Luật Lao động năm 2019 đã bổ sung những trường hợp này.
Theo đó, tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2, Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
8. Sửa đổi quy định về tổ chức và lãnh đạo đình công
Theo Điều 198 Bộ Luật Lao động năm 2019, đình công do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Tuy nhiên, trước đó, tại Bộ Luật Lao động năm 2012, ở nơi có tổ chức Công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Ở nơi chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức Công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.