Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tối đa đến 100% giá trị


27/08/2019 375 Lượt xem

Thông tư số 48/2019/TT-BTC nêu rõ, tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm nếu các khoản nợ phải thu được xác định khó đòi, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng.

Đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu (bao gồm cả các khoản doanh nghiệp đang cho vay và khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu) đã quá hạn thanh toán và các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn.

Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng là 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm; 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm; 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm; 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông và doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa, khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau và khoản nợ phải thu do bán lẻ hàng hóa theo hình thức trả chậm/trả góp của các đối tượng nợ là cá nhân đã quá hạn thanh toán mức trích lập dự phòng là 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng; 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng; 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 12 tháng trở lên.

Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn, đối với các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định tổ chức kinh tế đã phá sản, đã mở thủ tục phá sản, đã bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh; đối tượng nợ đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo (có xác nhận của bệnh viện) hoặc đã chết hoặc khoản nợ đã được doanh nghiệp yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú; khoản nợ đã được doanh nghiệp khởi kiện đòi nợ nhưng bị đình chỉ giải quyết vụ án thì doanh nghiệp tự dự kiến mức tổn thất không thu hồi được (tối đa bằng giá trị khoản nợ đang theo dõi trên sổ kế toán) để trích lập dự phòng.

Trong đó, mức trích lập dự phòng của từng khoản nợ quá hạn được tính theo tỷ lệ (%) của khoản nợ quá hạn phải trích lập theo thời hạn quy định nhân (x) với tổng nợ còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả.

Nguồn: tapchitaichinh.vn

Tin tức liên quan


CÔNG TY LUẬT TNHH TGT

Văn phòng Hà Nội: Tầng 6, Tòa nhà 252 Hoàng Quốc Việt, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Văn phòng Hồ Chí Minh: Phòng 1508, Tầng 15, Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

ĐT: (+84)-243-7558-222 | (+84)-903-204-333

 Email: thetg@tgt-partners.vn

Liên hệHồ sơ năng lực